Xây dựng 23 mô hình điểm về bảo tồn văn hoá các dân tộc
2025-04-04 07:06:00.0
Trong nhịp sống hiện đại, nhiều giá trị văn hóa truyền thống của một số dân tộc thiểu số có nguy cơ mai một. Một trong những giải pháp được huyện Phú Lương tập trung triển khai, đó là xây dựng, phát triển các mô hình câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ truyền thống trong mỗi cộng đồng dân tộc thiểu số.
Mô hình hát then, đàn tính tại xã Ôn Lương được duy trì và phát huy hiệu quả
Hiện toàn huyện có 23 mô hình điểm về hoạt động văn hoá, văn nghệ và bảo tồn văn hoá các dân tộc. Mỗi mô hình có từ 35 đến 40 thành viên là những hạt nhân văn hoá, văn nghệ ở cơ sở với các nội dung về Hát then, đàn tính của đồng bào dân tộc Tày, múa chuông, múa rùa, hát ví dân tộc Dao, múa Tắc Xình, hát Sấng cọ dân tộc Sán Chay, bảo tồn hát chèo…Khi thành lập các mô hình, các thành viên là những người xung kích đi đầu trong việc bảo tồn văn hóa bằng việc sưu tầm, truyền dạy tiếng hát và các phong tục tập quán.
Mô hình bảo tồn nghệ thuật chèo huyện Phú Lương thường xuyên biểu diễn tại các chương trình giao lưu, lễ hội
Thông qua sinh hoạt mô hình để truyền dạy cho lớp trẻ tiếng nói, văn hoá của dân tộc không bị mai một. Việc phát triển, nhân rộng mô hình này không chỉ góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho người dân mà còn tạo môi trường thuận lợi để gìn giữ, bảo tồn những giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc. Cùng với các hoạt động bảo tồn ngay trong cộng đồng các dân tộc thiểu số, huyện Phú Lương đã triển khai nhiều đề án, chương trình nhằm hỗ trợ khôi phục các giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời tôn vinh các hạt nhân, nghệ nhân đồng bào dân tộc thiểu số, có nhiều đóng góp cho hoạt động bảo tồn. Huyện cũng đang có nhiều giải pháp tích cực để gắn bảo tồn, phát huy di sản văn hóa với phát triển du lịch bền vững./.
Tin và ảnh: Nhâm Mai